Mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều

2025-01-17 19:28:43

Đầu tháng 6, nhiều nhà vườn ở Bắc Giang đã ký hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp, chờ khi vải chín là thu hái, đóng hàng đi xuất khẩu. Năm ngoái, vải thiều VietGap có giá không dưới 40.000 đồng/kg. Năm nay, dự kiến giá loại vải VietGap tăng khoảng 20 - 25 %.

Báo Thanh Niên dẫn lời ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang cho biết, năm 2015, vải thiều Bắc Giang xuất khẩu đi 15 quốc gia. Trong đó, Trung Quốc là thị trường truyền thống, còn lại đa số là thị trường mới, nổi tiếng “khó tính” như Úc, Mỹ và các nước châu Âu.

Vải thiều nay sẽ được xuất đến nhiều thị trường "khó tính"

Năm nay, dự báo, sản lượng vải xuất khẩu đi các thị trường mới sẽ tăng cao hơn so với năm trước. Điển hình là thị trường Úc, nếu như năm ngoái, tổng sản lượng xuất khẩu trong cả vụ của tất cả các doanh nghiệp chỉ là 30 tấn thì năm nay đã có doanh nghiệp đăng ký sản lượng lên tới gần 200 tấn.

Còn ở thị trường Mỹ, có doanh nghiệp năm 2015 chỉ xuất khẩu được một vài lô hàng thì kế hoạch năm nay tăng lên khoảng 10 lô hàng. Trong năm ngoái, toàn tỉnh Bắc Giang chỉ có 8 mã số vùng trồng vải xuất khẩu thì năm nay, tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã đăng ký 15 mã vùng trồng thu mua xuất khẩu.

Ông Tấn cho biết thêm, tính đến ngày 12/6, có 15.400 tấn/23.000 tấn vải thiều chín sớm được tiêu thụ. Sản lượng vải thiều năm nay ước đạt khoảng 130.000 tấn, giảm 100.000 tấn so với mùa vụ năm 2015. Sản lượng giảm do tỉnh chủ động sắp xếp quy hoạch lại diện tích các vùng trồng vải, để nâng cao chất lượng, hướng đến xuất khẩu vào các thị trường “khó tính”.

Báo Sài Gòn Giải Phóng chia sẻ ý kiến của ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông). Theo ông Trung, từ năm 2015 về trước, các doanh nghiệp ở miền Nam ra Bắc Giang, Hải Dương thu mua vải xong phải vận chuyển ngược vào TP. HCM để chiếu xạ, sau đó mới có thể đưa ra sân bay để làm thủ tục xuất khẩu.

Nhưng từ tháng 4 năm nay, Trung tâm chiếu xạ Hà Nội được đưa vào sử dụng giúp rút ngắn cả khoảng cách lẫn chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu vải. Tuy nhiên, để giúp các doanh nghiệp có thể tiếp tục giảm gánh nặng về chi phí hơn nữa, các hãng hàng không cần xem xét tăng thêm không tải và giảm chi phí vận chuyển cho trái vải. Nếu chi phí giảm, chắc chắn sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nhảy vào thu mua, tiêu thụ vải thiều cũng như các loại trái cây đặc sản của Việt Nam để xuất khẩu ra các thị trường lớn và tiềm năng khác.

Nguồn bài viết : THỂ THAO

Top